“Tôi chỉ ước giá mà mình ngừng dùng thuốc tránh thai sớm hơn” là lời tâm sự thành khẩn của Nicole Rupersburg. Trong bài viết này, bạn sẽ hiểu rõ vì sao lại thế.
Tôi bị chứng đau nửa đầu từ hồi còn niên thiếu. Mất nước, mỏi mắt, thiếu caffeine, dấu hiệu báo chu kỳ kinh nguyệt sắp tới – mỗi triệu chứng đó đều gây ra một cảm giác đau đớn cụ thể, dù gây khó chịu nhưng vẫn có thể dự đoán trước.
Cho tới đầu năm nay. Lúc ấy, tôi đang trong nhà, bỗng thấy mắt mờ đi và tôi biết cơn đau nửa đầu hàng tháng chuẩn bị ghé thăm. Và tình trạng đó cứ thế giữ nguyên trong vòng nhiều giờ. Tôi không thể làm việc. Tôi không thể đọc. Cuối cùng, tôi lên giường nằm, chờ cơn đau đầu qua đi và tự hiểu liệu tôi có đang bị đột quỵ không.
Chuyện đó không bao giờ lặp lại, cho tới vài tháng sau, khi tôi đi khám sức khoẻ định kỳ với bác sĩ phụ khoa mới. Cô ấy đã hỏi tôi về chứng đau nửa đầu được ghi chú trong phiếu chẩn đoán y tế của tôi. “Có gì bất thường về chứng đau nửa đầu trong năm qua không?”.
“Không”, tôi ngừng lời. “À, thực ra, có một biểu hiện rất lạ…”.
Nicole Rupersburg chia sẻ lý do mình không sử dụng thuốc tránh thai.
Bác sĩ nhìn tôi lo lắng. “Tôi sẽ kê lại đơn thuốc cho chị để dùng cho năm nay nhưng tôi thực sự mong muốn chị sẽ không bị lệ thuộc vào những loại thuốc này trong năm tới”. Rồi bác sĩ giải thích cho tôi biết, tác dụng phụ từ các thành phần của thuốc tránh thai trong đơn thuốc tôi đang dùng làm tăng nguy cơ đột quỵ. Do vẫn thỉnh thoảng hút thuốc lá, tôi thực sự cần ngừng dùng thuốc tránh thai khi bước sang tuổi 35 – tức là thời hạn chỉ còn hơn 1 năm nữa.
Ngày hôm sau, tôi đi mua lại đơn thuốc cũ nhưng đúng lúc bắt đầu phải dùng thuốc, tôi lại quyết định không dùng nữa. Đã 18 năm kể từ lần đầu tiên tôi dùng thuốc và tôi thực lòng không hề sẽ ra sao nếu đơn giản là tôi không dùng nữa. Tôi vốn đã biết tác dụng phụ của thuốc tránh thai mà chính bản thân tôi đều đã gặp phải. Vậy tác dụng phụ của việc không dùng chúng là gì? Những cơn co rút dồn dập? Hàng tuần lễ liền ra máu? Chu kỳ kinh nguyệt thất thường? Chứng loạn tinh thần do hội chứng tiền kinh nguyệt (PMS) gây ra?
Tôi đã tìm hiểu một chút trước khi quyết định ngừng dùng thuốc. Lên mạng tra xem “điều gì xảy ra khi bạn ngừng dùng thuốc tránh thai?” và đã biết được điều mà mình sẽ phải đối mặt là gì. Mụn nổi nhiều hơn. Hiện tượng ra máu. Chu kỳ kinh thất thường.
Tất nhiên, cơ thể mỗi người mỗi khác nên cùng một loại thuốc, trải nghiệm của người này có thể rất dịu dàng, của người kia lại vô cùng dữ dội. Tôi biết điều này và tôi cũng biết không có cách nào chắc chắn 100% để biết chuyện gì sẽ xảy ra, bất kể có bao nhiêu kinh nghiệm cá nhân được chia sẻ trên mạng mà tôi đã đọc. Tôi biết tôi không hề muốn một kỳ kinh nguyệt khó đoán, kéo dài lê thê mỗi tháng, nhưng… chà, tôi cũng không hề muốn một cơn đột quỵ. Tôi phải tự tìm câu trả lời cho mình thôi.
Tuần đầu tiên đúng là địa ngục. Tâm trạng của tôi hoàn toàn vượt qua ngoài tầm kiểm soát. Tôi cường điệu, tôi đắm đuối và trở nên phấn khích với mỗi cảm xúc có được, như thể một đợt tái bệnh dữ dội của hội chứng tiền kinh nguyệt. Cả cơ thể tôi bị phù một cách đau đớn trong nhiều tuần liền. Ngực tôi khó chịu kinh khủng. Tôi đúng là gần như sẵn sàng để đón một cơn đột quỵ mà thôi.
Nhưng rồi mọi chuyện qua đi. Chu kỳ kinh nguyệt đầu tiên của tôi diễn ra đúng lịch, nhưng không hề có hội chứng tiền kinh nguyệt. Tình trạng co thắt cũng nhẹ hơn, chỉ xuất hiện cơn đau đầu nhẹ nhất và đặc biệt kỳ kinh ngắn đi nhiều. “Ổn rồi”, tôi thầm nghĩ, “cơ thể mình vẫn đang trong quá trình thích nghi”. Hãy xem mọi chuyện tiến triển đến đâu.
Không hề có hiện tượng ra máu. Tôi thực sự thấy mụn nổi nhiều hơn – không phải là lý tưởng nhưng dẫu sao, tôi cũng chẳng có một làn da mịn màng ngay từ đầu. Tháng tiếp theo, kỳ kinh của tôi chỉ kéo dài khoảng 3 ngày – bằng nửa khoảng thời gian trước đây, khi tôi còn dùng thuốc tránh thai. Tôi phải nghĩ về việc liệu mình còn bị co thắt nữa hay không. Thực sự thì vẫn có nhưng tôi gần như không nhận ra. Chứng đau nửa đầu biến mất.
Nhưng tất cả những thứ đó không có nghĩa lý gì nếu so với sự ổn định tâm trạng kỳ diệu mà tôi có được. Những lần thay đổi tâm trạng thất thường đã trở thành dĩ vãng, những cơn cuồng nộ, cảm giác đắm chìm trong tuyệt vọng, sự bất an gặm nhấm con người tôi và tất cả những địa ngục của riêng tôi mà tôi phải chịu đựng suốt 2 tuần mỗi tháng.
Trước đây, nếu tôi quên uống thuốc một ngày thôi, tôi biết mình sẽ phải trả giá gấp 10 lần cho cơn thịnh nộ xấu xa mang tên “hormone”. Nhiều năm trước, tôi đã đề nghị được giảm liều estrogen đi vì tình trạng nghiêm trọng mà những lần thay đổi tâm trạng do hormone gây ra với tôi. Tôi biết chúng vẫn còn ảnh hưởng tới tôi nhưng tôi không biết ảnh hưởng tới mức độ nào. Đây không chỉ là một thay đổi đáng mừng: Tôi cảm thấy mình như một con người hoàn toàn mới.
Những lần thay đổi tâm trạng thất thường đã trở thành dĩ vãng sau khi tác giả từ bỏ thuốc tránh thai.
Chỉ dựa vào bao cao su làm biện pháp tránh thai duy nhất đối với tôi là một sự hi sinh mà tôi vui vẻ chấp nhận để đổi lấy cảm giác hạnh phúc tuyệt vời, khoẻ mạnh tuyệt vời và được là một người bình thường.
Là người từng chịu đựng sự hành hạ của chứng thay đổi tâm trạng thất thường trong thời gian quá dài – các chuyên gia y tế và những nhà tâm lý học rởm đời chỉ ngồi một chỗ mà phán đều từng cố gắng thuyết phục tôi phải tiếp tục dùng thuốc chống trầm cảm trong nhiều năm – thì đây không chỉ là một bất ngờ đầy dễ chịu. Nó có ảnh hưởng vô cùng sâu sắc tới tôi.
Tôi chắc hẳn đã không hay biết. Không phải tất cả mọi người đều phải chịu đựng hậu quả về mặt tâm lý từ những liều estrogen phi tự nhiên như tôi và không phải tất cả đều sẽ trải qua sự giải thoát tương tự (Khỏi phải nói, hãy hỏi ý kiến bác sĩ về lựa chọn của bạn).
Tuy nhiên, tôi vẫn không thể không nghi ngờ 18 năm cuộc đời tôi sẽ khác thế nào nếu tôi không dùng thuốc tránh thai, nếu tôi không phải trải qua những thảm hoạ về cảm xúc đã ảnh hưởng tới cả đời tư và công việc của tôi… mà lại thường theo cách cực kỳ nghiêm trọng, cực kỳ khó đảo ngược. Nghĩ mà xem, tất cả những khoảng thời gian tôi phải bào chữa cho hành vi của mình bằng câu “Tôi xin lỗi, khi tôi bị hành hạ bởi hội chứng tiền kinh nguyệt, tôi chỉ là một kẻ điên” hay “cảnh báo trước cho người khác khi tôi biết chuyện tồi tệ sắp xảy ra, lên kế hoạch đi nghỉ hoặc tham gia các sự kiện xã hội quanh thời điểm đó để giảm thiểu những thống khổ cho bản thân tôi và người khác, từng có bạn trai cũ, thậm chí là nhân viên nói với tôi rằng họ đã theo dõi chu kỳ các cơn “hội chứng tiền kinh nguyệt” của tôi và biết chính xác khi nào tôi sẽ trở thành một kẻ nổi loạn – tất cả những chuyện này lẽ ra đều đã tránh được. Cuộc đời, như tôi biết trong suốt thời kỳ trưởng thành vừa qua, lẽ ra đã phải khác rất nhiều.
Dẫu vậy, tôi vui mừng vì mình đã thay đổi khi cần và tôi chỉ coi đó là một cơ hội tuyệt đẹp cho 18 năm tiếp theo để được sống trọn vẹn hơn, tốt lành hơn. Kiểu như cuộc đời bắt đầu lúc 33 tuổi, chẳng phải vậy sao?
Nguồn: Cosmopolitan